Cơ duyên với nghề “gieo chữ”
Sinh ra trong một gia đình truyền thống là nhà giáo ở xóm Chùa, làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhưng người có ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nghề “trồng người” của chị Nguyễn Thị Thanh Hoa không phải là bố mẹ mà là người bác Nguyễn Duy Huệ, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Tân Triều…
Nhấp ngụm trà xanh vừa ngấm với hương thơm dịu nhẹ, chị Hoa chậm rãi chia sẻ về cái duyên đến với nghề nhà giáo của mình: Khi còn nhỏ, chị Hoa được người bác Nguyễn Duy Huệ là giáo viên dạy văn kể cho nghe những câu chuyện cổ tích Tấm Cám, Sự tích trầu cau…Lớn lên một chút, bác Huệ lại kể về các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc như Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo, Nhật ký trong tù… Càng nghe các câu chuyện bác kể, chị Hoa càng cảm thấy cuốn hút và hiểu biết thêm nhiều kiến thức mới. Có lẽ bác Huệ là giáo viên dạy văn và có chất giọng ấm áp, truyền cảm cho nên những câu chuyện đó được trao chuyền đến chị không chỉ bằng cảm xúc nghề giáo mà còn bằng cả “hương vị tình thân”… Ngoài ra, với trách nhiệm là chị cả trong gia đình có ba em nhỏ cho nên ngay từ nhỏ chị Hoa đã phải cùng bố mẹ dạy dỗ, chăm sóc các em. Bởi khi đó, bố chị làm cán bộ xã công việc đoàn thể, cơ quan rất bận. Một tay mẹ chị phải vất vả lo phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống cả gia đình. Thương bố mẹ vất vả làm việc, bên cạnh việc chăm sóc các em thì những năm học PTTH, ngoài giờ học chị vẫn tham gia làm nghề truyền thống của làng Triều Khúc như dệt khăn mặt, chế biến lông vũ…
Thời gian “thấm thoắt thoi đưa”, những tháng ngày thời học sinh cũng khép lại và kỳ thi đại học đã đến. Năm 1999, khi chị quyết định thi vào Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Điều này đã khiến mọi người trong gia đình bất ngờ nhưng với bác Huệ thì ngược lại. Bởi hơn ai hết, bác Huệ là người hiểu rõ suy nghĩ nội tâm và ước mơ cháy bỏng trở thành cô giáo của cháu gái mình. Nhắc đến những ký ức giai đoạn này, chị Hoa lại rưng rưng nước mắt, bởi khi đỗ đại học là một phần ước mơ đã trở thành hiện thực nhưng chặng đường 4 năm đại học phía trước còn nhiều vất vả, khó khăn... Chỉ riêng chặng đường từ làng Triều Khúc lên Đại học Sư phạm Hà Nội khi đó khá xa, cả đi lẫn về mỗi ngày chị đạp xe mất khoảng 30 km. Vất vả là vậy nhưng dù mưa gió, bão giông chị Hoa cũng cố gắng đến trường đúng giờ. Quá trình học tập, chị luôn phấn đấu là một sinh viên vừa học giỏi, vừa tham gia tốt các phong trào hoạt động của đoàn thanh niên cho nên được nhiều thầy cô, bạn bè yêu quý. Hình ảnh cô sinh viên Thanh Hoa vừa đẹp người, đẹp nết luôn dậy sớm chuẩn bị cơm cho cả gia đình trước khi đến trường đã trở nên quen thuộc trong mắt bà con hàng xóm.
Mùa hè năm 2003, khi mùa phượng đỏ đến và tiếng ve râm ran khắp sân trường báo hiệu một lứa sinh viên sư phạm sẽ ra trường, tỏa đi khắp mọi miền Tổ Quốc để “gieo chữ”. Khi đó, chị Hoa cũng như bao bạn bè cùng trang lứa ngậm ngùi chia tay trường lớp, thầy cô và bạn bè để hiện thực hóa ước mơ làm cô giáo. Một số bạn phải lên các tỉnh miền núi hoặc ra các huyện đảo xa dạy học. Số khác không xin được việc cho nên buộc phải gác lại mơ ước để đi làm trái ngành, trái nghề. Với cô giáo Hoa thì may mắn hơn các bạn cùng khóa là cô được phân công về làm giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Thời điểm đó, việc chị Hoa trở thành cô giáo của quận Thanh Xuân đối với người dân xóm Chùa là một sự kiện lớn để bà đến chung vui, chúc mừng… Lúc này, chị Thanh Hoa cảm thấy rất vui, không lời nào tả xiết vì đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình…
Noi gương chị cả, em gái Nguyễn Thị Dung cũng nỗ lực phấn đấu trở cô giáo dạy ngoại ngữ tại Trường cấp 3 Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) Còn hai người em nữa là Nguyễn Thu Yến thì trở thành nhà báo của Đài Truyền hình Việt Nam; em Nguyễn Duy Quyết lại đam mê ngành CNTT và hiện là kỹ sư về CNTT cho một tập đoàn lớn…“Quả ngọt” đã chín trong gia đình lớn của cô giáo Hoa là các em đã học hành giỏi giang và trở thành những người có ích cho xã hội. Vui nhất là em gái Nguyễn Thị Dung đã tiếp nối mạch nguồn truyền thống gia đình để cùng chị Hoa ngày, đêm tận tâm với sự nghiệp “gieo chữ ở Thủ đô”...
20 năm đong đầy những kỷ niệm
Năm 2003, khi mới nhận công tác làm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 nên cô Hoa không khỏi bỡ ngỡ. Thời điểm này, trong suy nghĩ của cô tràn ngập các câu hỏi được đan xen bởi nhiều cung bậc cảm xúc như: Mình phải làm gì để các phụ huynh tin tưởng? Phải làm gì để các con chăm ngoan, học giỏi? Nếu các con nghịch ngợm, hiếu động hay bỏ cơm vì nhớ bố mẹ thì phải xử lý tình huống như thế nào?... Khó khăn là vậy, nhưng với suy nghĩ tích cực: “Không ai giúp đỡ mình bằng chính mình. Dạy bảo các con và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp bằng cái tâm của mình”. Với suy nghĩ tích cực như vậy đã giúp cô Hoa vượt qua những rào cản ban đầu để nỗ lực phấn đấu trở thành một cô giáo có chuyên môn giỏi, được học sinh và đồng nghiệp trân quý.
Tiết học của Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa luôn thu hút sự tham gia đông đảo của các học sinh lớp 1G
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa luôn tổ chức các hoạt động để xây dựng lớp học hạnh phúc cho các con học sinh
Các con học sinh lớp 1G học nhiệt tình –chơi hết mình
Các con học sinh lớp 1G mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Cô Hoa như người mẹ hiền của các con
Trải qua thời gian, cô giáo Thanh Hoa đã có 20 năm gắn bó với mái trường này, với biết bao kỷ niệm đẹp. Tuy nhiên, có lẽ kỷ niệm mà cô Hoa không bao giờ quên khi cô tròn 30 tuổi vào năm 2011. Lúc đó, cô làm chủ nhiệm lớp 1 với khoảng 50 học sinh. Trong đó có bạn Vũ Tiến Đạt bị tự kỷ và chân tay yếu, đi đứng không vững. Thương cảm với hoàn cảnh không may mắn của Đạt cùng lúc mắc 2 căn bệnh nên cô giáo thường dành nhiều thời gian, công sức để chăm sóc em. Giờ cơm trưa thì cô dạy Đạt cầm thìa xúc cơm, cầm cốc uống nước,…Khi học bài thì cô uốn nắn con từng nét chữ, chữ số và mỗi khi Đạt đi vệ sinh cô lại cõng em ra nhà vệ sinh. Lúc tan trường, các bạn được bố mẹ đón về thì cũng là lúc cô Hoa bắt đầu lên lớp dạy Đạt “ê, a” đọc bài, làm toán và dạy kỹ năng sống... Hình ảnh cô trò đồng hành sau giờ tan học đã trở nên quen thuộc với các đồng nghiệp cũng như bác bảo vệ thời điểm đó… Tình cảm và sự tận tâm của “mẹ Hoa” đối với Đạt không thể cân, đong, đo, đếm được nhưng ai cũng có thể hiểu được: “Đó là tấm lòng của một người mẹ…”
Năm nay Đạt đang học lớp 12, mọi kỹ năng sống của Đạt qua năm tháng rèn luyện đã tốt hơn rất nhiều. Thành tích học tập của em cũng rất khả quan. Cảm mến tấm lòng của “mẹ Hoa”, mỗi khi đến Ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam 20 - 11, Tết Nguyên đán,…Đạt và bố mẹ của em đều dành những tình cảm chân tình và không quên gửi đến cô Hoa những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Nhớ đến đây, đôi mắt của cô giáo lại đỏ nựng như muốn trực trào nước mắt.
Cuộc trò chuyện đang rôm rả thì bất chợt giọng cô trầm xuống, đôi mắt cô nhìn xa xăm ra khu vườn đầy cây và hoa đang khoe sắc. Cô Hoa bảo: Vườn nhiều cây hoa, cây xanh và mỗi cây trong vườn đều gắn với nhiều kỷ niệm về bố chồng mình. Biết cô yêu cây cối, thiên nhiên nhưng bận công việc nên bố thay cô chăm sóc từng chậu cây, gốc hoa. Mặc dù là bố chồng, là ông nội của các con nhưng cô luôn quý mến như bố đẻ. Nhưng năm 2022, người bố mà cô luôn yêu quý đã ra đi về chốn Bồng Lai tiên cảnh ở tuổi 94. Cái tuổi mà mọi người cao tuổi ở các vùng quê vẫn mơ ước được an hưởng tuổi già, sống vui, sống khỏe. Bởi khi đó các cụ được ngắm nhìn sự thành đạt các con, các cháu; được chứng kiến các cháu, chắt dựng vợ, gả chồng và con đàn, cháu đống… Niềm vui nho nhỏ, giản dị của tuổi già chỉ có vậy nhưng thật ấm áp và thân tình đến lạ kỳ. Những ngày cuối bố ốm bên giường bệnh, thân thể bị các vết thương, vết tiêm và vết truyền thuốc gây đau đớn, nhưng cô Hoa vẫn tận tình chăm sóc, không than phiền hay nề hà bất cứ việc gì… Sự tận tâm chăm sóc bố của cô đã khiến nhiều người ở cùng bệnh viện hiểu nhầm cô giáo là con gái ông cụ. Chỉ đến khi ông mất trên tay cô giáo Hoa thì mọi người mới biết cô là con dâu và thầm cảm phục cô.
Cô Hoa tâm sự: Gia đình nhà chồng có nhiều chị em, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng anh chị em luôn đùm bọc chăm sóc bố mẹ mỗi khi ốm đau. Bản thân mình cũng rất quý trọng bố, bởi từ lúc về nhà chồng, ông luôn thương yêu và giúp đỡ mình. Nhiều khi để con dâu yên tâm công tác, bố thường quán xuyến hết các phần việc từ nhỏ đến lớn trong nhà. Khi mình sinh bé lớn Tô Minh Quân, rồi bé thứ 2 Tô Thị Khánh Linh, hai bố mẹ đều thay phiên nhau chăm sóc con dâu và các cháu chu đáo. Hết thời gian nghỉ thai sản. cô Hoa lại phải trở lại Trường để tiếp tục dạy dỗ, chăm sóc các “mầm non” tương lai. “Những lúc như vậy mà không có bố mẹ chồng ở bên thì mình không xoay sở ra sao để vừa làm tốt cả việc gia đình, vừa làm tốt việc nhà trường. Vợ chồng mình rất biết ơn ông bà! Bởi ông bà chính là điểm tự vũng chắc cho gia đình nhỏ bé của mình...” - chị Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ thêm.
Giờ đây, cứ vào dịp cuối tuần cô giáo Hoa thường dành nhiều thời gian chăm sóc bố mẹ hai bên gia đình. Tự tay vào bếp nấu nướng các món ẩm thực truyền thống như canh riêu cua, muối dưa cà, cá kho,… để sum họp gia đình. Dạy dỗ con cái về các nét truyền thống văn hóa của làng Triều Khúc như điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng”, phương pháp dệt khăn, ý nghĩa các họa tiết, hoa văn trên các đồ vật được làm ra từ những nghệ nhân của làng. Qua đó, giúp các con Minh Quân, Khánh Linh thêm yêu quê hương, làng xã và trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình hơn. Cô Thanh Hoa quan niệm: “Không đâu bằng gia đình. Gia đình chính là nền tảng, là động lực để mỗi thành viên cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống…”.
“Làm việc với cô giáo Thanh Hoa đã lâu, không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều thầy cô giáo trong trường đều quý mến cô Hoa. Tình cảm đó không chỉ được vun đắp qua một vài ngày, vài tháng mà đã được dựng xây từ hàng chục năm nay. Ngoài thời gian trên lớp, hay trước các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cô Hoa thường chia sẻ với các đồng nghiệp những phương pháp, kỹ năng mới để dạy dỗ các con. Với vai trò lãnh đạo Công đoàn Nhà trường, cô luôn quan tâm hỗ trợ các công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn...
Tập thể giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi tại khoa nhi – Bệnh viện K cơ sở 3 tại Tân Triều – Thanh Trì
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa trong Hội thi Duyên dáng áo dài
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa trong Hội thi Gói bánh chưng nhân dịp Tết đến Xuân về
Ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi của cô Hoa, các ban, ngành của quận Thanh Xuân và TP Hà Nội đã trao tặng cô nhiều phần thưởng cao quý. Gần đây nhất, Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa đã đạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố cấp Tiểu học. Đó không chỉ là niềm vui của cô Hoa mà còn là niềm tự hào của các thầy cô giáo trong Trường tiểu học Nguyễn Trãi…” - Cô giáo Vũ Thị Kim Thoa, Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A cho biết.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội trao giải Nhất giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp tiểu học tặng Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa
Chia tay Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa, người đảng viên 42 năm tuổi đời, 10 năm tuổi Đảng; người Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Nguyễn Trãi; Cô giáo chủ nhiệm lớp 1G mà chúng tôi luôn ấn tượng bởi phong cách của một nhà giáo, một người “lái đò” luôn tận tụy với học sinh. Mặc dù cô giáo xúc động không nói ra, nhưng chúng tôi đều hiểu rằng, cho dù thời gian có quay trở lại thì những người giàu nhiệt huyết như cô Thanh Hoa sẽ vẫn lựa chọn làm cô giáo dạy tiểu học. Bởi khi đó, họ mới thực sự là chính mình, được cống hiến với nghề và lan tỏa yêu thương bằng tấm lòng của người “mẹ hiền”…/.